VG34.WAPATH.COM |
Chủ đề liên quan
Trung Quốc
Khổng giáo đã được đưa vào Việt Nam trong thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn 1000 năm. Tuy nhiên Khổng giáo đã không giành được chỗ đứng vững chắc và sâu rộng trong lòng xã hội Việt Nam cho tới khi Việt Nam giành được độc lập từ Trung Quốc và bắt đầu ứng xử với Khổng giáo như một công cụ kiến thiết quốc gia hơn là một di sản văn hóa áp đặt từ phương Bắc.
Chính vì vậy, nhà Lý đã cho xây dựng Văn Miếu vào năm 1070 để thờ Khổng Tử và các học trò của ông, cũng như cho xây dựng trường Quốc Tử Giám 6 năm sau đó để đào tạo tầng lớp quý tộc và quan lại Việt Nam theo tư tưởng Nho giáo.
Cho tới thời kỳ nhà Lê lên cầm quyền vào thế kỷ 15 thì Khổng giáo đã được tiếp nhận mạnh mẽ, trở thành nền tảng tư tưởng cho cả nhà nước và xã hội Việt Nam vận hành.
Người Việt Nam cũng đã cải biến một số tư tưởng của Khổng giáo để khiến nó phù hợp hơn với các giá trị bản địa và điều kiện kinh tế - xã hội – lịch sử của Việt Nam. Ví dụ như trái với truyền thống Nho giáo của Trung Quốc, xã hội Việt Nam nhìn chung thừa nhận quyền lợi của phụ nữ nhiều hơn, cũng như dành cho họ một địa vị xã hội cao hơn so với Trung Quốc.
Mặt khác, trong khi Khổng giáo Trung Quốc chỉ chủ yếu nhấn mạnh yếu tố “trung quân” thì Khổng giáo Việt Nam lại đề cao cả yếu tố “trung quân” lẫn “ái quốc.”
Ảnh hưởng văn hóa của Trung Quốc đối với Việt Nam bắt đầu phai tàn từ cuối thế kỉ 19 và quá trình Hán hóa Việt Nam có thể được coi là chấm dứt một cách biểu tượng vào năm 1918 khi mà nhà Nguyễn bãi bỏ hệ thống khoa cử dựa trên việc kiểm tra hiểu biết của sĩ tử về các tác phẩm Nho giáo kinh điển và kỹ năng soạn thơ phú bằng tiếng Hán và tiếng Nôm.
Tuy nhiên hơn 2000 năm giao lưu, tương tác với Trung Quốc đã để lại cho Việt Nam vô số những ảnh hưởng văn hóa vốn không thể bị phai nhạt trong một sớm một chiều.
Gần đây, với sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là một siêu cường toàn cầu, Việt Nam lại đứng trước một làn sóng tấn công văn hóa mạnh mẽ (mà học giả Joshua Kurlantzick gọi là “charm offensive”) khi mà Trung Quốc nỗ lực phổ biến sức mạnh mềm của mình ra toàn thế giới.
Bộ phim 'Khát vọng Thăng Long' ra mắt năm 2010 đã gây ra làn sóng chỉ trích phim này "quá giống Trung Quốc"
Từ đầu những năm 1990, Việt Nam đã ngập chìm trong một hiện tượng có thể được gọi là một cơn “sóng thần văn hóa” gây nên bởi sự thành công của các bộ phim truyền hình, âm nhạc, điện ảnh, hay tiểu thuyết kiếm hiệp có nguồn gốc văn hóa Trung Quốc.
Sự phổ biến của các tác phẩm văn hóa Trung Quốc này ở Việt Nam, một mặt có thể được giải thích bởi sự khan hiếm các sản phẩm văn hóa tương ứng của Việt Nam, thì một phần khác cũng bắt nguồn từ chất lượng hấp dẫn của các sản phẩm này, dẫn tới sự tiếp nhận tự nguyện và tích cực từ phía người dân Việt Nam.
Tuy nhiên những ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc quá tràn lan như vậy dường như đã khiến các quan chức chính phủ và những người làm công tác văn hóa - tư tưởng của Đảng phải lưu tâm.
Một số nhà chỉ trích đã than phiền rằng các bộ phim truyền hình lịch sử Trung Quốc đã khiến người Việt Nam còn thuộc sử Trung Quốc hơn quốc sử. Điều này đã gây nên một số phản ứng từ Chính phủ Việt Nam, trong đó có việc ban hành một nghị định vào tháng 5/2010 quy định phim truyện và phim truyền hình Việt Nam phải chiếm ít nhất 30-50% thời lượng giành cho phim giải trí trên bất kỳ kênh truyền hình nào của Việt Nam.
"Sự phản kháng mang tính truyền thống của Việt Nam đối với những ảnh hưởng văn hóa không mong muốn đến từ phương Bắc giờ đây cũng chính là một trở ngại rõ ràng khác mà Trung Quốc phải vượt qua nếu như họ muốn chiến dịch khuếch trương sức mạnh mềm của mình gặt hái được thành công ở quốc gia láng giềng phía Nam đặc biệt này."
Lê Hồng Hiệp
Mặt khác, bất chấp thành công rõ ràng của văn hóa đại chúng Trung Quốc đối với khán giả Việt Nam thì sự phản kháng của Việt Nam đối với các ảnh hưởng văn hóa không mong muốn đến từ phương Bắc dường như cũng trở nên mạnh mẽ hơn khi Trung Quốc theo đuổi những nỗ lực có tính toán nhằm truyền bá hay áp đặt các giá trị văn hóa của mình lên Việt Nam.
Ví dụ như sáng kiến Viện Khổng Tử, một thành tố quan trọng trong chiến lược khuếch trương sức mạnh mềm toàn cầu của Trung Quốc, đã đạt được rất ít tiến triển ở Việt Nam bất chấp những thành công trên phạm vi toàn cầu của nó.
Trong khi hiện đã có hơn 320 Viện Khổng Tử được thiết lập trên toàn cầu, thì việc ở nước láng giềng Việt Nam cho đến lúc này chưa có một Viện tương tự nào đi vào hoạt động là một điều đáng lưu ý.
Mặc dù vào năm 2009, Chính phủ Việt Nam đã cho phép “thí điểm” thành lập một Viện Khổng Tử, nhưng sau gần 3 năm nó vẫn chưa được ra đời. Trong khi đó những cơ quan truyền bá văn hóa tương tự của Pháp, Anh, Đức hay Nga… ở Việt Nam đã được cho phép hình thành từ lâu.
Khó có thể kiểm chứng được điều gì đứng đằng sau sự chậm trễ này, nhưng dường như sự quan ngại, nghi ngờ mang tính lịch sử của Việt Nam đối với các ý định nhằm gây ảnh hưởng văn hóa có tính toán đến từ Trung Quốc có thể là một nguyên nhân quan trọng đứng đằng sau tình trạng dậm chân tại chỗ của sáng kiến này ở Việt Nam.
Tóm lại, sự khuếch trương sức mạnh mềm của Trung Quốc có thể tiếp tục được mở rộng và thành công trên toàn cầu, nhưng sẽ gặp phải những trở ngại đáng kể ở Việt Nam.
Trong khi sự vay mượn mang tính tự nguyện từ văn hóa Trung Quốc đã góp phần hình thành nên một lớp của bản sắc văn hóa Việt Nam thì Việt Nam cũng chính là quốc gia nơi mà những ký ức về hơn 1000 năm bị Trung Quốc đồng hóa văn hóa một cách cưỡng bức vẫn còn đang rất sống động.
Chính vì vậy một mặt những nỗ lực của Trung Quốc nhằm truyền bá sức mạnh mềm của mình vào Việt Nam có thể bị hạn chế bởi sự quen thuộc quá mức của Việt Nam đối với văn hóa Trung Hoa.
Mặt khác sự phản kháng mang tính truyền thống của Việt Nam đối với những ảnh hưởng văn hóa không mong muốn đến từ phương Bắc giờ đây cũng chính là một trở ngại rõ ràng khác mà Trung Quốc phải vượt qua nếu như họ muốn chiến dịch khuếch trương sức mạnh mềm của mình gặt hái được thành công ở quốc gia láng giềng phía Nam đặc biệt này.
< |
Khi sao chép tài liệu này phải ghi rõ trích từ nguồn
http://vg34.wapath.com
để người xem có thể tìm về nguồn nhơ tư vấn khi cần thiết
============
When copying this document must clearly deducted from
http://vg34.wapath.com
so viewers can return to power through the necessary consultation