- Cách
đây đúng 38 năm, tháng 1-1974,
đúng vào dịp tết, Hoàng Sa của
Việt Nam đã bị Trung Quốc xâm chiếm.
Từ đó đến nay, chưa bao giờ quần
đảo Hoàng Sa bị lãng
quên trong lòng người dân Việt. Và
càng không bao giờ bị lãng quên trong
ký ức của những người một thời
đi giữ Hoàng Sa. |
Mời bạn ngược dòng
thời gian về thăm lại Hoàng Sa
cùng họ - những người đã sống,
đã chiến đấu bảo vệ quần
đảo. Những hồi ức chân thực, những
dòng viết nguệch ngoạc này được
rút ra từ Kỷ yếu Hoàng Sa
do UBND huyện đảo Hoàng Sa thực hiện
và công bố mới đây.
Mãi đến nay, đã gần 40 năm qua
mà trong ký ức tôi vẫn còn nhớ
như in những kỷ niệm vui buồn tại
đảo Hoàng Sa. Bởi
đó là quãng đời đặc biệt
mà tôi đã từng sống và làm
việc. Tôi đã từng
sống trên đảo hai đợt, mỗi đợt
hơn ba tháng.
Ký ức chuyến ra đảo
đầu tiên làm tôi nhớ mãi.
Phải thú thật là lúc nhận được
lệnh đi đảo Hoàng Sa,
tôi cũng lo sợ. Mặc dù
trước đó có rất nhiều người
đã đi, nhưng lần đầu tiên
phải xa vợ con trong thời gian dài và không
biết cuộc sống trên đảo thế
nào.
Tôi còn nhớ thành phần ra
đảo lúc đi khá đông, khoảng
hơn 20 người kể cả bốn nhân viên
khí tượng. Chúng tôi
đến từ những vùng quê khác nhau
của VN.
Chúng tôi tập trung tại
Hội An, đi mua sắm vật dụng cá nhân
cho mình, mua lương thực thực phẩm
phục vụ cho đoàn cũng như một số
vật nuôi, con giống để ra đảo tăng
gia sản xuất như heo, gà, vịt, hạt rau
muống, hạt đậu xanh...
Sau khi chuẩn bị xong, xe đưa
chúng tôi ra Đà Nẵng để lên
tàu và xuất phát ra đảo từ
đó. Khi được lệnh lên
tàu và khởi hành, anh em trên tàu mỗi
người mỗi tâm trạng. Nhưng
rồi ai cũng có cảm giác hân hoan vì
lần đầu được lênh đênh
trên mặt biển, để khám phá
vùng đất thuộc lãnh hải của Tổ
quốc mà mình chưa biết.
Theo kinh nghiệm, nếu thời tiết
tốt thì thời gian ra đến đảo mất
khoảng 21 tiếng. Tàu của chúng tôi
khởi hành khoảng 14 giờ hoặc 15 giờ
hôm trước thì hôm sau khoảng 10 giờ
hoặc 11 giờ đến. Dù thủy triều cao
hay thấp thì trong tàu luôn trang bị
xuồng cao su để đưa người và
vật dụng lên bờ.
Tại đảo có một chiếc
cầu, tạm gọi là cầu cảng. Từ đầu cầu vào nhà ở khoảng
400-500m. Nếu nhớ không lầm
thì ở phía bên phải của cầu
có một chiếc tàu sắt đã gỉ
sét. Nghe những người đi
trước kể lại, đó là tàu
của bà Ngô Đình Nhu ra đảo chở
phân chim bị hỏng và bỏ lại.
Khi bước chân lên đảo tôi thấy
ở cầu cảng có đường ray (hẹp
hơn đường ray tàu hỏa) và năm
chiếc xe rùa, không biết ai
đã xây dựng và để lại nơi
này. Tất cả anh em dùng những chiếc xe rùa này để di chuyển
vật dụng, thức ăn, nước uống vào
nhà. Hai bên đường vào
nhà toàn là đá vôi, cây phốt
phát, cây nhàu và một số cây
lạ khác.
Nhà chúng tôi ở trên
đảo được xây dựng rất kiên
cố, bề dài khoảng 30-40m, bề ngang khoảng
20m. Nhà được ngăn thành bốn
phòng: phía bên phải có một phòng
để dùng làm nhà kho, một phòng cho
binh sĩ ở, phía bên trái một phòng
dành cho đảo trưởng và lính
truyền tin, còn căn phòng rộng nhất
dùng để sinh hoạt. Nhà
rất kiên cố nhưng tất cả cửa lớn
nhỏ đều đã hư hỏng vì thời
gian nên mỗi khi có mưa gió rất cực
khổ. Phía dưới nền
nhà được đúc suốt dùng
làm hầm chứa nước để dự
trữ.
Phía trên trần nhà cũng đúc
bêtông và được đặt hai khẩu
súng đại liên 50 li, một khẩu
đã hỏng và một khẩu còn dùng
được. Tất cả vật dụng cũng như
súng ống và đạn dược thì
đảo trưởng cho lau chùi sạch sẽ
vô dầu mỡ và cất vào kho. Ngoại trừ có ít lựu đạn
đảo trưởng cất giữ để
đánh bắt cá. Đây
thật ra cũng là chủ ý của đảo
trưởng, sợ anh em khi có xích mích,
nóng giận mà sử dụng thì rất nguy
hiểm.
Trước mặt nhà ở khoảng 150m có
một nhà thờ Thiên Chúa giáo, trong
có treo một cây thánh giá và
tượng chúa Giêsu, thường những anh em
có đạo hay đến cầu nguyện. Trước nhà thờ khoảng 50m có
một cái giếng dùng được, bên
cạnh có một cây dừa. Phía sau
nhà ở có một con đường mòn
nhỏ mà anh em thường ra đi dạo và
đánh bắt cá. Phía bên
phải có một cái miếu ở trong cũng
thờ tự và cạnh bên có những
ngôi mộ phần nhiều là vô danh.
Cạnh nhà chúng tôi ở
khoảng 50m là nhà ở của anh em quan trắc
khí tượng. Chúng tôi
rất mến nhau, thường chia sẻ cho nhau những
mẻ cá và anh em có gì ngon cũng đem
cho chúng tôi.
Ấn tượng nhớ nhất của
tôi là lần đầu dạo quanh đảo,
khi đến cầu cảng nhìn xuống biển
thấy rất nhiều cá bơi lội, tôi
vội ném xuống một quả lựu đạn.
Sau tiếng nổ, cả một vùng nước
chuyển sang một màu đen sì, ba chúng
tôi nhảy xuống bơi lặn mãi mà
cũng chẳng tìm thấy con cá nào.
Lúc đó tôi có phần run sợ,
lạnh nổi cả da gà vì rõ ràng
cá bung lên mặt nước rất nhiều. Sau này mới rõ đó là
đàn mực đang bơi. Mực không
có bong bóng nên không chết tức do
tiếng nổ gây nên.
Với tôi, cuộc sống trên
đảo khá nhàn rỗi. Ngoài
giờ ấn định phải điện để liên
lạc hằng ngày với tiểu khu Quảng
Những lúc nước xuống
nhiều thì chúng tôi lội đi bắt
ốc gân, nhiều con rất lớn, có thể
bằng chiếc nón. Chúng
tôi dùng lưỡi lê xẻ ngay tại
chỗ, chỉ lấy cái gân (phần của
ốc dùng để khép và mở miệng)
đem về xẻ ra phơi khô (còn ngon hơn
khô mực) để mang về làm quà.
Những lúc không làm gì thì chúng
tôi tưới cây, những hạt giống mang theo gieo rất tốt, đậu xanh, rau
muống, bí đỏ. Có những quả bí
chỉ mới trồng khoảng ba tháng mà rất
lớn, một người bê rất khó.
Thức ăn trên đảo qua
những ngày đầu nào thịt gà,
vịt, heo, đến lúc hết thì chỉ
cá và rau cỏ trồng. Nhớ
những lúc rau muống chưa kịp lên thì
dùng cá nấu với lá ớt làm canh.
Ban đêm chúng tôi chia từng tốp dạo quanh
đảo tìm những con rùa biển (còn
gọi là con vích) lên bãi cát
để đẻ. Khi bắt được, chúng
tôi lật ngửa nó ra để sáng hôm
sau xẻ thịt. Thịt của nó rất ngon,
cái thì ăn cái thì phơi khô,
riêng trứng thì tròng đỏ đổ
(chiên) làm chả, không thể luộc
được vì tròng trắng của nó
không bao giờ chín. Lúc chẳng biết
làm gì thì người đánh
đàn, kẻ đánh bài ăn
thua nhau bằng thuốc lá hoặc khô cá.
Cuộc sống nhàn rỗi trên
đảo khiến anh em buồn và nhớ nhà,
thỉnh thoảng lại có một binh sĩ khóc
suốt cả đêm liền.
Ký ức của tôi chỉ tạm
tái hiện phần nào. Bởi
lẽ hơn 40 năm rồi tôi không thể
diễn tả hết những gì mình đã
nhớ trong quãng thời gian sống trên đảo.
Tôi mong sao Chính phủ đấu tranh để
giành lại quần đảo Hoàng Sa, giành lấy chủ quyền lãnh
hải của Tổ quốc.